mình nói gì khi nói về đọc sách

Vậy là đã hơn một năm từ ngày mình bắt đầu dự án nho nhỏ là viết cảm nhận về những cuốn sách mình đã đọc và cuốn đầu tiên mình viết là “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn đã nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học, Haruki Murakami. Cuốn sách chỉ đơn giản kể về niềm đam mê, thói quen và những suy nghĩ của ông xoay quanh việc chạy bộ. Dựa theo ý tưởng của Murakami, bài viết này của mình muốn nói về Đọc Sách, như một câu chuyện nối dài khi nói về thói quen – sở thích – đam mê, mình xin mượn và đổi tựa sách của ông để viết một chút về việc đọc sách và đôi điều dễ thương xoay quanh những trang sách.

“Mình nói gì khi nói về đọc sách”

Bài viết này gồm 2 phần chính:

Đọc sách đối với mình …

  • là đam mê, sở thích lớn nhất
  • là thói quen, sự kỷ luật, sự cam kết với bản thân

Đọc sách để …

  • thêm nhiều sự lựa chọn trong suy nghĩ và hành động
  • yêu hơn những phút giây đợi chờ
  • nhân đôi niềm vui, vỗ về nỗi buồn
  • yêu – thương thêm vững vàng

Sách đối với mình là một điều gì đó đặc biệt, nên bài này mình viết sẽ hơi dài. Không nhất thiết phải đọc theo thứ tự, bạn có thể đọc phần “Đọc sách để yêu – thương thêm vững vàng” trước, nếu thấy hay, hãy kiên nhẫn đọc thêm các phần còn lại. Như vậy, mình sẽ rất vui luôn ^^


Đọc sách đối với mình …

là đam mê, sở thích lớn nhất
Do đâu mà mình có thể biết được đọc sách là đam mê, sở thích lớn nhất của mình?

Trong tháng 10 vừa qua, mình có làm một thử nghiệm nhỏ dành cho bản thân là trải nghiệm một tháng “offline” – không liên lạc với thế giới bên ngoài bằng việc: Không dùng facebook, không xem instagram và cũng hạn chế đọc tin tức các loại; chỉ messenger và gặp mặt bạn bè thân thiết. Vì thế, khi giảm bớt những thói quen giải trí thường ngày như vậy, mình tự hỏi rằng: Điều gì thực sự cần thiết, không thể thiếu và điều gì mang lại niềm vui cho mình mỗi ngày? Nếu thiếu nó, một ngày của mình sẽ không tròn đầy, sẽ giảm bớt ý nghĩa? Và sau một tháng ngắn như vậy, mình dễ dàng nhận biết được rằng, niềm vui nho nhỏ mình cần mỗi ngày, giúp cho mình cảm thấy một ngày trở nên có nghĩa, đó là việc: Đọc sách.

Mỗi ngày trong một tháng qua, sau một ngày dài đi làm và có đôi ngày cảm thấy thật mệt, cảm xúc cạn kiệt. Mình cần một điều gì đó để giúp mọi thứ cân bằng lại, để làm mình cảm thấy ổn hơn. Và có một điều thú vị là, mỗi lúc như thế, mình chỉ cần tự tưởng tượng và nghĩ đến việc chờ đến khi tối về, sẽ được yên tĩnh ngồi vào bàn để đọc sách hoặc nếu cần thêm một chút lười biếng, nuông chiều bản thân, là được nằm lăn lóc trên giường đọc Kindle và có thể ngủ bất kỳ lúc nào. Dường như mình cảm nhận thấy có một sự bình an lan tỏa khắp cơ thể, mệt mỏi dường như vơi bớt đôi phần và biết được rằng tối đến sẽ có niềm vui nhẹ nhàng đang chờ đón.

Mình muốn gọi tên đúng cho việc đọc sách của bản thân. Theo định nghĩa trong từ điển của hai từ (Passion: a strong liking or desire for or devotion to some activity, object, or concept) và (Hobby: an activity that someone does for pleasure when they are not working). Bingo! Hai từ này thật trùng khớp với mình và có thể nói rằng, đọc sách đối với mình: Nếu nói hẹp là sở thích nho nhỏ mỗi ngày, nếu nói rộng hơn là đam mê của mình ít nhất là trong 5 – 10 năm sắp tới.

 

là thói quen, sự kỷ luật, sự cam kết với bản thân
Mình muốn nói một chút về việc xây dựng thói quen đọc sách nơi mình. Thường thì thói quen sẽ trở nên tạm vững chắc khi thực hiện liên tục trong khoảng 30 ngày và mình đặt một mục tiêu nhỏ cho bản thân là trong một tháng mỗi ngày đọc sách một tiếng. Nhưng điều đó đối với mình thật sự thật sự khó! Mình đã cố gắng thử đi thử lại khá nhiều lần để tạo “thói quen bền vững” đọc sách mỗi ngày, thử đi rồi lại thử lại, thất bại chắc chắn có thể đếm tới con số 10. Có thời điểm, chán quá chán, mình nghĩ: “Cần quái gì phải đọc mỗi ngày, lúc nào thích thì đọc, mà không đọc cũng chẳng sao, mình còn nhiều thứ phải làm mà!?” và thế là có thời điểm mình trượt dài đến độ, suốt 2 – 3 tháng mình chẳng đọc cuốn sách nào. Nhưng thật may, mục tiêu đó nó không chịu biến mất, nó vẫn nằm đâu đó trong mình. Mình muốn thử lại, rồi mình cho phép bản thân tập lại thói quen thêm nhiều lần nữa, cho phép mình thêm kiên nhẫn với bản thân. Sau mỗi lần chưa tập được thói quen, tự hỏi rằng “Mình làm gì tiếp theo đây?” Uhm, vẫn luôn là câu trả lời: Mình phải thực hiện tiếp thôi. Nếu mình không tập được thói quen này, nếu mình không đọc sách nữa, sao mình sống nổi với mình!

“Nếu làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”

“Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”

(Trích: Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)

Screenshot_2017-10-30-16-26-40-01
Bảng theo dõi việc đọc sách của mình. Cho phép mình thêm kiên nhẫn với bản thân. thử đi thử lại để tập thói quen

Một điều hơi buồn là, có thể khi đọc xong một cuốn sách hoặc một vài cuốn sách cũng sẽ không tạo nên điều gì khác biệt cả; nên dù đã tạo được thói quen đọc sách mỗi ngày thì cũng đáng nản thật đấy? Mình vẫn luôn biết chắc rằng có một điều gì đó rất lớn ở nơi mình đã giúp mình dần dần tạo được thói quen đọc sách, chỉ là mình chưa gọi được tên của nó cho chính xác thôi. Mãi đến khi mình đọc cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” – Rando Kim. Có đoạn tác giả viết về tuổi trẻ, công việc, sự nghiệp như sau: “Việc thú vị nhất trên đời này là gì? Bạn không muốn biết sao? Công việc thú vị nhất trên đời này ấy? Tôi thì tôi nghĩ thế này: Đó là Trưởng Thành. Trong câu trả lời rất bình thường này có một bí mật … Con người ta thường cảm thấy vui sướng khi nhận thấy bản thân mình đang dần trưởng thành từng chút một.” Đến đoạn trích, mình chợt nghĩ đến việc đọc sách của bản thân. Mình: “Ồ! Wowww!, chính nó, tao đã biết được tên của mày rồi nhé, mày tên là Sự Trưởng Thành”. Thực, cảm giác trưởng thành này làm mình “phát nghiện” và nghiện ở liều rất cao! Vì mỗi khi đọc được gì đó thực sự hay ho, thú vị từ sách, mình cảm thấy bản thân biết thêm được một điều mới, tiến bộ hơn một chút so với ngày hôm qua.

Thêm một phần nhỏ nữa, dù biết rằng lúc đọc sách là lúc bản thân đang dần tiến bộ, nhưng sẽ rất nhiều lúc cảm thấy quá chán khi đọc, đọc chẳng hiểu gì cả, sao văn chương dài dòng thế, cuốn sách này không hợp với mình, … Và mỗi lúc này, mình nghĩ cũng nên thêm một chút kỷ luật để giữ bản thân tiếp tục song hành cùng những trang sách còn lại, tránh “quăng sách” giữa chừng. Một trong những quy tắc mình tự đặt ra với bản thân trong việc đọc sách: Đã đọc cuốn nào, cần phải đọc hết, không có ngoại lệ! (Dù biết là Mọi nguyên tắc sinh ra là để có ngoại lệ, hihi). Uhm, điều nho nhỏ này mình luôn duy trì và chưa một một lần phá vỡ nó. Không ít những cuốn sách, nội dung thú vị nhất, điều tuyệt vời nhất lại nằm ở 1/3 nơi cuối sách, như một món quà tưởng thưởng cho những người đọc kiên nhẫn vậy. Này nhé, không ít những cuốn như vậy đâu, như cuốn “Bay trên tổ chim cúc – Ken Kesey”, 2/3 phần đầu của truyện đọc khá rối vì có quá nhiều tuyến nhân vật và đọc cũng chẳng thú vị cho lắm, nhưng khi đóng cuốn sách lại, kết truyện làm mình buồn và suy nghĩ cả ngày hôm đó. Hay một ví dụ khác, như “Thuật yêu đương – Nguyễn Duy Cần”, nửa đầu sách, tác giả viết những nội dung đọc khá mệt, hơi khiên cưỡng nhưng sau cùng, rất nhiều điều hay, đáng học lại vẫn nằm ở nửa cuối sách. Và rất nhiều những cuốn sách như vậy nữa, hãy cho phép mình thêm chút kiên nhẫn với bản thân nhé.

Kiên nhẫn với bản thân, từng chút từng chút, đọc sách sẽ dần trở thành thói quen, cũng như Haruki Murakami khi ông cần nói ngắn gọn về thói quen chạy bộ: “When I’m running I don’t have to talk to anybody and don’t have to listen to anybody. This is a part of my day I can’t do without.” Cũng như thế, đọc sách là một hoạt động, một phần không thể thiếu trong một ngày và nhiều lúc mình nghĩ vui: “Khi đọc, là lúc mình cảm thấy mình được sống, cảm thấy mình đang trưởng thành từng chút một”


Đọc sách để …

thêm nhiều sự lựa chọn trong suy nghĩ và hành động

We cannot solve problems with the same thinking we used when we created them.” – Albert Einstein.

Từng giờ, từng ngày mỗi người luôn đưa ra rất nhiều lựa chọn, có đúng có sai, nguồn gốc của những lựa chọn có thể bắt nguồn từ thói quen, trải nghiệm đã qua và có thể dựa trên bản năng sẵn có nữa. Và đôi khi, những lựa chọn dựa trên thói quen, trải nghiệm sẽ không đa dạng và không tốt, nên sẽ mãi dẫn mỗi người đi theo một hướng sai. Nên với mình, đọc – học từ sách giúp cho mỗi người biết nên đưa ra lựa chọn nào giữa nhiều lựa chọn khác nhau và hơn thế nữa, sách cũng mang đến thêm rất rất nhiều lựa chọn đa dạng khác nữa, trong đó có nhiều lựa chọn mà khi nghĩ lại, ta thầm ước: “Giá như mình biết đến nó sớm hơn!”. Nếu nói một cách đơn giản, sách mang đến những suy nghĩ, phương pháp, hành động mới khi cần đối mặt với cùng một vấn đề.

Những nội dung đọc – học được từ sách đã thêm cho mình nhiều sự lựa chọn để thay đổi bản thân, tạo ra một phiên bản mình hoàn toàn khác, ít nhất là so với một năm trước đây, mình cảm thấy bản thân chuyển biến theo hướng tích cực hơn, cả về sức khỏe, suy nghĩ, thái độ và cảm xúc. Trong phần này, mình sẽ nói một chút về thay đổi của mình trong suy nghĩ – hành động hen.

 

Photo by Tina Floersch on Unsplash (FILEminimizer)
thêm sách, thêm sự lựa chọn trong suy nghĩ – hành động

 

Những thay đổi trong suy nghĩ
Từ những nghiên cứu chuyên sâu của tiến sĩ Masaru Emoto xoay quanh các tinh thể nước, cuốn sách “Thông Điệp Của Nước” của ông đã mang đến cho mình một suy nghĩ, niềm tin mới về sự hiện hữu của nước trong thế giới này. Nhờ câu chuyện của ông, ngoài ý nghĩa tôn giáo, mình thêm tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, khi mình cầu nguyện cho ai đó, cầu nguyện sự bình an, cầu nguyện cho hòa bình thế giới; mình sẽ dồn hết suy nghĩ – năng lượng vào từng lời cầu nguyện. Vì khi ấy, mình biết rằng các phân tử nước đang tạo nên những cấu trúc thật đẹp, chúng đang chuyển động và lan tỏa lời cầu nguyện, gửi thông điệp đến vũ trụ.

Những thay đổi trong hành động
Một cuốn sách nhỏ về sức khỏe, tạo cho mình một thói quen lớn. Khi đọc cuốn “Nhân tố Enzyme – Phương thức sống lành mạnh” – Hiromi Shinya. Đọc xong, mình chắc sẽ không thể nhớ hết về những kiến thức y khoa thường thức trong đó, rằng nên ăn gì, ăn ra sao. Nên mình chọn một nội dung tâm đắc nhất rồi thực hiện theo, đó là thói quen Nhai chậm – Nhai kỹ, vì khi ấy “enzyme được trộn cùng các thức ăn trong khoang miệng, thúc đẩy quá trình phân giải thức ăn, do đó hấp thụ thức ăn sẽ tốt hơn“. Chỉ một thay đổi nhỏ thế thôi cũng đủ tạo nên chuyển biến lớn, từ khi hình thành thói quen nhai kỹ như vậy, mình đã giảm được 1/4 khẩu phần ăn so với trước đây và thấy được rõ ràng rằng hệ tiêu hóa của mình dần tốt hơn trước rất nhiều luôn. Hoặc một thay đổi nữa trong thói quen của mình đến từ câu chuyện “Giày phải xếp cho ngay ngắn“, trong cuốn “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”. Bởi theo tác giả, chỉ là một hành động rất nhỏ là xếp giày ngăn nắp thôi, nhưng thể hiện ý thức tu thân từ việc nhỏ, là điểm then chốt của mọi thành công. Thói quen này mình tập khá dễ, nhưng đối với mình nó rất ý nghĩa. Mình cảm thấy bản thân dần ngăn nắp hơn, sắp xếp các vật dụng cá nhân gọn gàng hơn và còn dần cẩn thận, tỉ mỉ hơn trong công việc nữa.

Sách đã mang đến cho mình quá nhiều thứ tuyệt vời, tạo nên những thay đổi nhỏ trong suy nghĩ, chuyển biến hành động từng chút một. Mình thường nghĩ vui, một cuốn sách dù mỏng dù dày cộm, có thể sẽ khó để nhớ và thực hiện theo những gì sách truyền đạt. Nhưng chỉ cần chọn ra một điều cá nhân thấy tâm đắc, kiên nhẫn làm theo, vậy là đủ tạo ra thay đổi lớn nơi bản thân. À, có khi còn thay đổi cả thế giới xung quanh luôn ấy chứ. hihi

 

yêu hơn những phút giây đợi chờ
Việc chờ đợi chắc có lẽ không dễ chịu chút nào, nhưng với mình, những giây phút chờ đợi của mình đều trôi qua rất nhanh và đều có giá trị của riêng nó. Cùng với sách, mình cảm thấy những phút giây chờ đợi trở nên nhẹ nhàng hơn, kiểu như “chờ mà không chờ” vậy. Mình thì có thể đọc sách dưới rất nhiều hình thức, có khi là một cuốn sách giấy trong balo, có lúc bằng Kindle và cũng có thể đọc bằng app Kindle trên điện thoại luôn. Mọi khoảng trống thời gian của mình đều dễ dàng được lấp đầy bằng việc đọc sách.

Mình nhớ, có lần hẹn gặp mặt nhóm bạn thân, do đến sớm nên mình đã phải đứng đợi tận một tiếng nhưng quãng thời gian đó mình lại “bận” đọc một muốn sách dễ thương và thời gian đã trôi qua thật nhanh. Và mình còn nhớ rất rõ, một tiếng ấy mình như chìm trong nội dung rất hay của cuốn sách, nên đôi lúc, cùng với sách, thời gian chờ đợi cũng là thời gian quý giá – yên tĩnh – bình an mà mỗi người có thể dành cho bản thân. Và một tiếng sau đó, bạn mình cũng đã đến và mình có thể vui vẻ nói: “Tụi mày đến rồi hả? Vậy giờ mình đi thôi!” và mình chẳng có một chút cảm giác khó chịu sau khi đã đứng đợi suốt một tiếng.

Kỷ niệm gần đây nhất, mới hồi 13/10 vừa qua thôi, tối hôm đó trời mưa giông lớn khủng khiếp, lúc mưa thì mình đang chạy xe về nhà qua đại lộ Võ Văn Kiệt. Mình thì rất lười, không thích chạy xe lúc trời mưa, hai bên đường thì chẳng có tiệm cafe nào đẹp để tấp vào cả, mà mưa mỗi lúc một lớn. Nên mình tấp vào luôn một mái hiên bên đường để đứng đợi cho đến khi hết mưa rồi đi tiếp. May mắn làm sao, mái hiên trú mưa thật bự, đứng nép vào đó và không một hạt mưa nào có thể bắn tới. Lấy Kindle trong cặp ra, đứng dựa vào yên xe, thế là, một tiếng rưỡi đứng đợi tạnh mưa, mình có thời gian “me time” dành cho bản thân, được nghe mưa, được đọc sách. Trải nghiệm này lần đầu tiên mình làm và thực sự rất thú vị luôn ấy.

 

20171013_185220-01 (FILEminimizer)
đợi hết mưa, yêu hơn những phút giây chờ đợi cùng sách

 

Nếu xem việc chờ đợi theo một góc nhìn rộng hơn, trong cuộc sống, mỗi người luôn có những sự chờ đợi thật dài, có thể được tính bằng vài tháng, bằng năm, bằng rất nhiều năm; chờ đợi kết quả của một việc gì đó đang diễn ra, chờ đợi một ai đó mở lòng đón nhận tình cảm của ta, chờ đợi thời gian chữa lành vết thương lòng, … Hẳn khi ấy, mỗi người có sẽ có lựa chọn riêng, chỉ đơn giản là ngồi đợi thời gian trôi qua thôi hoặc có thể lựa chọn trong khi ấy, mở ra, lật từng trang đọc một cuốn sách lớn – cuốn sách của cuộc đời. Để chờ mà không đợi, để đến khi gấp cuốn sách và nhìn lại, cảm thấy thời gian đợi chờ thật có giá trị, thêm kiến thức – thêm lựa chọn, đầy sự bình an. Và những điều thu nhặt được từ sách sẽ giúp ta đón nhận một cách tốt nhất mọi thứ, dù kết quả, sự việc có diễn ra như thế nào đi nữa.

 

nhân đôi niềm vui, vỗ về nỗi buồn
Mình cảm nhận được rằng, đọc sách còn giúp mỗi người trường thành hơn về mặt cảm xúc, đôi lúc mình đọc sách cũng chẳng mong tìm được kiến thức gì to lớn, chỉ đơn giản là muốn bản thân có thể được hòa cùng cảm xúc của cuốn sách, được vui với những nụ cười, được buồn với sự chia ly hay nỗi đau của các nhân vật trong sách.

Niềm của mình với sách thì khá nhiều; vui nhẹ nhàng vì khi bắt gặp được một vài suy nghĩ của tác giả thật đồng cảm với mình, vui trong lòng vì bị vui lây bởi những câu thoại vui tươi của nhân vật trong sách, vui và cười như điên vì quá hài hước, … Ví dụ như cuốn “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” – Allan Karlsson, bắt đầu đọc sau khi ăn tối, thế là mình đã bị cuốn luôn vào câu chuyện phiêu lưu của nhân vật Allan và mê mẩn đọc liên tục nhiều tiếng đồng hồ liền. Sách đặt trên giường, chùm chăn kín người, nằm chổng mông đọc và cười sằng sặc như điên vào lúc 3 giờ sáng? Uhm, có mình đây (haha), vì cuốn sách quá hài bởi nhân vật Allan tửng tửng mà rất duyên. Có thể sau này mình chẳng nhớ gì nội dung cuốn sách đã đọc đâu, nhưng chắc chắn rằng những trải nghiệm gắn liền với cảm xúc mạnh như thế, mình sẽ nhớ mãi, sẽ mỉm cười khi nghĩ lại và để nhớ rằng mình cũng đã nhiều lúc con nít như vậy (hihi)

Còn về nỗi buồn? Mình đã trải nghiệm rõ nhất trong khoảng thời gian này về khả năng vỗ về, nâng đỡ nỗi buồn của sách. Mình đang có cảm giác thương, nhớ và đợi chờ một ai đó, có những hôm cuối ngày đi làm về mệt, cảm thấy nhớ bạn, chìm trong cảm xúc rối bời, chỉ muốn ngả xuống giường nằm ngủ vùi đến sáng. Nhưng mình đã phải tự kéo bản thân dậy, thương bản thân bằng việc ăn uống đầy đủ và trước khi ngủ cũng cố gắng đọc chút gì đó. Kỳ diệu thay, chỉ đôi trang sách thôi nhưng dường như đã cứu một ngày của mình. Trong một cuốn sách, đọc tới đoạn cô gái nói lời giận yêu với chàng trai soulmate, “I had such a busy day, but when I had a coffee break, I thought of you for a minute.“, câu nói dễ thương hết sức, cô gái như đang nói hộ lòng mình vậy (haha), mình nằm cười tủm tỉm, đóng lại một ngày có thể gọi là dễ thương vào phút chót và ngủ quên lúc nào không hay. Và cũng có những khi mình thấy buồn, lạc trong suy nghĩ của chính mình với rất nhiều câu hỏi tại sao? tại sao? Nhưng may thay, chỉ cần một câu nói từ cuốn sách siêu dễ thương mình từng đọc – Hoàng tử bé, dường như đã giúp mình trả lời, “You risk tears when you let yourself be tamed.” – Uhm, khi thương một ai đó, sẽ làm bạn đối mặt với nhiều nguy cơ lắm đấy, cả việc bạn sẽ phải rơi nước mắt nữa …

Vẫn là câu truyện Hoàng tử bé – Antoine de Saint-Exupéry, đã cho mình rất nhiều cảm xúc: Niềm vui khi thấy thế giới trẻ con thật dễ thương và đầy màu sắc qua một lăng kính khác xa với người lớn, có thể tưởng tượng được cả một con voi nằm trong bụng con rắn cơ đấy. Mình vẫn còn nhớ rõ, khi đọc xong cuốn Hoàng tử bé, lúc đó tầm 1h sáng, mình nằm, đặt Kindle lên ngực và cảm thấy buồn ngẩn ngơ, vì mình không thích đoạn kết, vì nó buồn quá. Nối dài cảm xúc từ cuốn sách, để rồi hôm sau, yên tĩnh ngồi xem phim hoạt hình The Little Prince (2015), mình rơi nước mắt …

 

littleprince_netflix
Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú …

 

yêu – thương thêm vững vàng
Vài ngày trước, mình có đọc được một đoạn cảm nhận của một chị tác giả dễ thương: “Có hai câu hỏi để biết một người có hạnh phúc không. Thứ nhất, việc bạn đang làm lúc này có đem lại ý nghĩa gì cho bạn không? Thứ hai, mối quan hệ của bạn và những người xung quanh có tốt không?“. Hai trong số những nền tảng lớn nhất của cuộc đời là công việc và các mối quan hệ thân thuộc. Học để làm việc ở nhà trường, đại học; còn học để yêu để thương ở … Ở đâu? Mình còn nhớ, một chương nói về tình yêu trong cuốn Hiểu về trái tim, “Sự thật, tình yêu chỉ mạnh hơn tình thương về mặt cảm xúc thỏa mãn, nhưng tình thương lại lớn hơn tình yêu về mặt thấu hiểu và cảm thông.” Nên để nói được hai tiếng “yêu – thương” và để có thể yêu thương ai đó cho đủ đầy sẽ thật khó, cần sự cố gắng nhiều và cũng cần phải học. Thương ba me, thương anh chị em, thương người thương,… cũng tương tự như thế. Và với mình, bên cạnh những trải nghiệm trong cuộc sống thì những bài học lớn, sâu sắc về yêu thương phần lớn mình nhận được từ những trang sách.

Viết cho tình yêu lớn nhất của cuộc đời mỗi người. Để học được cách yêu thương, học cách mở rộng con tim để lắng nghe, đón nhận những cảm xúc và và ngôn ngữ yêu thương của ba mẹ cũng cần lắm sự cố gắng. Mình có một câu chuyện nhỏ này muốn kể, ở nhà, mình cảm thấy khá khó chịu, vì ba mẹ mình đôi lúc nói chuyện lớn quá, chỉ nói chuyện bình thường thôi mà “âm lượng” cũng đủ làm mình thấy khá ồn. Mình cũng có góp ý là ba mẹ chỉ cần nói nhỏ thôi là con cũng đủ nghe rồi … Và cho đến gần đây nhất, mình có đọc cuốn “Gió heo mây đã về” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, viết cho những trăn trở của tuổi trung niên, tuổi già; cũng là tuổi của ba mẹ mình: “Ở tuổi chớm già, tai nghe đã kém tinh. Nhiều lúc phải lắng nghe. Và cũng do tai nghe bớt thính, người chớm già bắt đầu nói to tiếng, cộc lốc, đều đều. Mũi ngửi cũng tệ đi. Nếm cũng dở đi, nhất là đàn ông. Do vậy mà ăn mất ngon. Cảm giác xúc giác cũng bớt nhạy. Đã bớt nhột như ngày xưa còn bé.” Đọc đến đoạn này, mình thấy xúc động, cảm thấy có lỗi quá đỗi, mình chẳng hiểu gì cho ba mẹ cả, huhu. Chỉ cần đôi dòng đó thôi, đã cho mình một suy nghĩ – một hành động mới. Từ lúc đó, mỗi khi ba mẹ nói hay gọi, mình sẽ luôn nói: “Dạ ba mẹ, con đang lắng nghe đây”. Và cũng nhiều lần, sách đã dạy và “tát” vào mặt mình để mình phải tự hỏi: Đôi khi chúng ta đang làm con quá dễ dàng mà thiếu sự quan tâm đến nỗi lòng cha mẹ, chỉ luôn cần cha mẹ hiểu mình mà lại chẳng một lần để ý và chịu hiểu cho ngôn ngữ yêu thương của họ. Mình hiểu được rằng, cha mẹ luôn luôn và vẫn sẽ luôn luôn yêu thương ta, có đôi khi họ sử dụng bộ ngôn ngữ yêu thương khác ta, “you must use the ears of the heart to hear“. Như thiền sư Thích Nhật Hạnh đã viết về Hiểu biết và Thương yêu, “Muốn mở cửa trái tim thương yêu ta phải có chìa khoá của sự hiểu biết. Muốn thương phải hiểu. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nên tảng của tình yêu“, và mình tin rằng, sách chắc chắn là một trong những nguồn bổ trợ cho sự hiểu biết, thấu cảm đó.

Viết cho tình yêu đôi lứa. Lúc này đây, mình vẫn đang trên hành trình học và thực hành cách yêu thương. Nhờ những câu chuyện, những quyển sách về yêu thương mình đang đọc và những cuốn đã đọc trước đây, mình cảm thấy thật may mắn khi nhận ra được những điều mà trước giờ chưa một ai nói với mình: Mỗi người nên cần yêu thương tôn trọng bản thân mình trước hết, khi bản thân đủ đầy thì mới có thể bắt đầu yêu thương một ai khác; Tình yêu đôi lứa sẽ thật tuyệt vời khi có sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình; Một trong những nền tảng quan trọng trong tình yêu là sự tôn trọng mà mỗi người dành cho nhau, … Mình thử ví dụ nhé, gần đây nhất, mình biết thêm được góc nhìn thú vị về sự chữa lành, là một khi sự tổn thương ghé đến nơi mỗi người, theo bản năng hoặc có thể là thói quen cũ, mình cũng hay tự nói với bản thân: “Mình ổn, mình sẽ ổn” nhưng đôi khi phản ứng như thế sẽ không làm mọi thứ tốt hơn. Và rồi, nhờ sách hỗ trợ, sách đưa ra những lời gợi ý thật nhẹ nhàng: “Do not tell yourself: I am all right. Tell yourself: I am healing. Do not hope the healing will be fast. Hope it will be deep and thorough“, và thầm nhủ với lòng, tôi đang chữa lành cho tôi và thời gian sẽ giúp tôi.

Hơn thế nữa, từ những trang sách mình biết thêm một vài điều thật khác trong tình yêu, có thể sự thật có phần hơi trần trụi và hơi buồn rằng tình yêu đôi lứa tuy rất đẹp và quan trọng đối với mỗi người nhưng không phải là tất cả. Tình yêu lớn nhất, cần thiết nhất là tình yêu mỗi người dành cho bản thân, dành thời gian để chăm sóc những khía cạnh khác của cuộc sống: Sức khỏe, tâm hồn, nghề nghiệp, những sở thích cá nhân,… Chỉ khi đó, mỗi người sẽ thêm khoảng không gian để hoàn thiện mình, để khi bản thân đủ đầy – hạnh phúc, sẽ có thể quay trở lại bồi đắp lại cho mối quan hệ với người thương, “I have finally learned that the most sacred love is self-love, and the most sacred commitment we make in life is the commitment to love ourselves. A couple relationship is important and beautiful, but it is not all there is to life.

Tình yêu và sự yêu thương là những trải nghiệm cảm xúc thật đẹp, nhưng sẽ đẹp và vững vàng, bình an hơn khi mỗi người được trang bị kiến thức về nó. Và sách, là kiến thức, là lời khuyên, là phương pháp đang chờ mỗi người bước đến đón nhận.

 

Photo by Andrei Banta (FILEminimizer)
I found you. And I will not give up

 

Mượn lời của những trang sách, gửi đến chính mình, gửi tặng đến những người đang yêu – đang học cách yêu thương – sẽ yêu.
I believe happiness in love is not about whom we love but about why we love.
If you enter a relationship because you want to learn about love, because you want to discover the love within you, because you want to travel in your partner’s soul and offer your soul in return, because you want to create something beautiful together, because you are willing to let love bend you and cook you and change you and break you open so that the light can get in, because you want to witness how you never give up on love no matter how hard love gets sometimes . . .” – 10.000 miles for love, Milena Nguyen


Thay lời kết,

Để viết về sách, có lẽ phải cần nhiều nội dung hơn nữa so với những ý mình muốn nói trong bài viết khiêm tốn này. Sách là một điều gì đó rất kỳ lạ, đôi lúc cần phải nghiêm khắc với bản thân khi đọc, đôi lúc chỉ đơn giản là đọc thôi, đọc là vì lúc này tôi cảm thấy thích đọc, chẳng cần lý do nào khác. Và sách như một điều gì đó đầy ma thuật, có sức tác động lớn rất lớn: Chuyển hóa cảm xúc, thêm suy nghĩ, thêm lựa chọn, thay đổi hành động. Hãy cho phép sách dẫn ta đi qua những đoạn đường chông chênh của tuổi trẻ, bảo vệ ta khi bước qua cơn bão cảm xúc, ôm ấp và chữa lành những vết thương trong tâm hồn, thêm bình an và vững chãi để yêu thương. Như một câu mình đọc được trên Goodreads: “Books are a uniquely portable magic.” – Stephen King; Uhm, mình tin là sách có phép thuật ^^

Sài Gòn, 5.11.17
———
Những cuốn sách mình đã đề cập, trích dẫn trong bài viết này:

* Tôi nói gì khi nói về chạy bộ – Haruki Murakami
* Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu – Rando Kim
* Thông điệp của nước – Masaru Emoto
* Nhân tố Enzyme, phương thức sống lành mạnh – Hiromi Shinya
* Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân
* Hoàng tử bé – Antoine de Saint Exupéry
* 10.000 miles for love – Milena Nguyen
* Gió heo mây đã về – Đỗ Hồng Ngọc
* Hiểu về trái tim – Minh Niệm

Nguồn ảnh: Ảnh bìa; Hình 2, 5 từ Unsplash.com

 

Posted

Comments
2 responses to “mình nói gì khi nói về đọc sách”
  1. Thanh Avatar

    sách này hay nè
    Ngôn Ngữ Cơ Thể – Body Language
    http://sach123.info/sach/ngon-ngu-co-the-body-language-1289

    Liked by 1 person

Gửi bình luận